Đặc trưng tính cách Đào Khản

Sử cũ chép Đào Khản tính tình thông tuệ mẫn tiệp, làm việc siêng năng, cung kính lễ phép, thích bình phẩm nhân vật. Ông cầm binh ở ngoài, công việc rất nhiều nhưng không có sơ sót gì; mỗi khi có thư tín công văn đều tự mình phúc đáp, đặt bút là như nước chảy, không chút ngập ngừng. Đào Khản tiếp đãi hay tiễn đưa khách khứa đều rất nồng hậu, trước cửa luôn có người đến thăm.

Ông thường nói với mọi người: "Đại Vũ là thánh nhân, mà còn phải trân trọng thời gian, thì chúng ta là người bình thường, càng phải trân trọng từng phân từng khắc, nếu cứ ca hát rượu chè, chẳng có ích gì cho xã hội, chết rồi không được ai nhớ đến. Đấy là tự mình bỏ phế chính mình." Những thủ hạ vì chơi bời mà phạm sai lầm, Đào Khản ra lệnh thu lấy các dụng cụ đánh bạc uống rượu của họ, ném cả xuống sông, có người còn bị phạt roi. Có người đến tặng quà, ông nhất định hỏi rõ nguyên nhân, nếu đáng nhận thì vui vẻ nhận lấy; nếu không thì trách mắng nghiêm khắc rồi trả lại.

Khi Đào Khản còn ở quận Lư Giang, vợ của thái thú Trương Quỳ có bệnh, ông đi xa hàng trăm dặm để đón thầy thuốc, khi ấy trời đổ tuyết lớn, đồng liêu đều khâm phục nghĩa khí của ông.

Đào Khản ở Quảng Châu nhàn hạ hơn 10 năm. Hằng ngày ông chuyển trăm viên gạch ra khỏi nhà, chiều tối lại đưa vào. Có người hỏi, Đào Khản đáp: "Tôi muốn tận trí lực vì Trung Nguyên, nếu nhàn rỗi quá, sợ sau này không kham được việc nữa!" bấy giờ người ta gọi Đào Khản là "Vận bích ông".

Đào Khản trị Kinh Châu, có lần ra ngoài lấy một người cầm vài cây lúa non, liền hỏi: "Dùng cái này để làm gì?" Người ấy đáp: "Trên đường nhìn thấy, tiện tay hái chơi." Ông cả giận: "Ngươi đã không trồng, còn phá hoại của người ta." Rồi cho bắt lấy người ấy, phạt roi.

Đào Khản từng chủ trì việc đóng thuyền, mệnh đem tất cả vỏ gỗ và đầu trúc giữ cả lại. Mọi người không biết để làm gì. Một hôm trời đổ tuyết lớn, trước cửa phủ quan lầy lội vì tuyết, vỏ gỗ được đem ra rải trên mặt đất, nên mọi người đi lại dễ dàng. Hơn 10 năm sau, Kinh Châu thứ sử Hoàn Ôn đóng thuyền đi đánh Thành Hán, lại đem những đầu trúc mà Đào Khản dành lại ra làm đanh để nêm thuyền.

Đào Khản đóng quân ở Vũ Xương. Vũ Xương có nhiều danh sĩ như Ân Hạo, Dữu Dực,… Đào Khản thường cùng họ uống rượu đàm luận, khi rượu đến lúc nồng thì ông đều không uống nữa. Bọn Ân Hạo cố nài nhưng ông kiên quyết từ chối.

Đào Khản tính tỉ mỉ cẩn thận, thích điều tra hỏi han như Kinh Triệu doãn Triệu Quảng Hán thời Tây Hán. Ông từng lệnh cho các quân doanh trồng liễu, đô đốc Hạ Thi trộm về trồng trước cửa nhà. Đào Khản nhìn thấy, dừng xe hỏi: "Đây là liễu trước cửa tây Vũ Xương, sao nhà ngươi lại trộm đến đây?" Hạ Thi hoảng sợ tạ tội.

Trước khi rời chức vụ, Đào Khản đem toàn bộ quân tư, khí trượng, trâu ngựa,... ghi chép tỉ mỉ rồi chuyển vào kho bãi, cho người niêm phong lại, tự mình bảo quản chìa khóa để giao tận tay người kế nhiệm Vương Khiên Kỳ. Việc làm này được trong triều ngoài cõi hết lời khen ngợi.